Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung hiện đang là vấn đề rất được quan tâm trên toàn cầu. Đây là cuộc chiến trên phương diện kinh tế, thương mại của 2 quốc gia “siêu cường” của Thế giới. Do đó phạm vi ảnh hưởng của nó là không hề nhỏ, có thể tác động đến nhiều nền kinh tế ở các Quốc gia khác nhau.
Vậy Việt Nam liệu có ảnh hưởng bởi cuộc chiến của 2 “ông lớn” này? Ảnh hưởng đó tích cực hay tiêu cực? Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích nhất về vấn đề này.
Trước hết cần phải điểm qua một số cột mốc đáng chú ý của cuộc thương chiến Mỹ – Trung
Tóm tắt sơ lược cuộc chiến Mỹ – Trung
Cuộc chiến khởi đầu vào ngày vào ngày 22/03/2018 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế 50 tỷ $ cho hàng hóa Trung Quốc dựa theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974, để ngăn chặn những gì họ cho là hành vi thương mại không công bằng và hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ.
Kể từ thời điểm đó đến nay, 2 bên liên tục đưa ra các chính sách áp thuế hàng nhập khẩu nhằm “trả đũa” nhau. Mặc dù đã ngồi vào đàm phán rất nhiều lần những cả 2 vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung, khiến cho cuộc chiến thương mại này ngày càng căng thẳng và khó kiểm soát.
Đỉnh điểm là vào tháng 06/2019, Mỹ thực hiện lệnh cấm vận với thương hiệu điện thoại di động lớn nhất Trung Quốc – Huawei. Trung Quốc “đáp trả” bằng việc phá giá đồng Nhân dân tệ, đồng thời ngừng nhập khẩu nông sản của Mỹ. Phía Hoa Kỳ cũng đưa ra tuyên bố coi Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ.
Việt Nam có chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh thương mại này?
Mặc dù quy mô không lớn nhưng tốc độ mở rộng của nền kinh tế Việt Nam là rất nhanh. Nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam sẽ chịu những tác động tích cực lẫn tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.
Cuộc chiến này sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho Việt Nam. Do ảnh hưởng bởi mức thuế, nguồn vốn FDI (vốn đầu tư nước ngoài) đang có xu hướng chuyển dịch về Việt Nam bởi các tập đoàn lớn của Mỹ và cả Trung Quốc.
Đơn cử là Procon Pacific trước đây sản xuất toàn bộ sản phẩm tại Trung Quốc hiện đã phân bổ 25% tại Ấn Độ và 5-10% tại Việt Nam.
Thị trường Bất động sản văn phòng cũng được dự đoán sẽ rất sôi động do nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẽ chuyển trụ sở hoặc chi nhánh về khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, về mặt tiêu cực, các hoạt động xuất khẩu hàng hóa ra Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ giảm vì 2 Quốc gia này sẽ tập trung vào tiêu thụ hàng hóa nội địa. Kim ngạch xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2019 của Việt Nam sang Trung Quốc đã giảm 1,5%, trong khi cùng kì năm ngoái ghi nhận tốc độ tăng trưởng là 20%.
Ngoài ra, do có khoảng cách gần về địa lý, nguy cơ về việc hàng Trung Quốc gắn mác “Made in Vietnam” để dễ dàng xuất khẩu hơn sang Mỹ cũng không thể loại trừ. Nếu không kiểm soát tốt vấn đề này, Việt Nam có thể rơi vào danh sách theo dõi của Hoa Kỳ.
Các hoạt động xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ được cải thiện nhưng chỉ là trong ngắn hạn. Chiến tranh thương mại kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu đến ngành sản xuất của Việt Nam vì nó tạo ra nhiều rào cản phát sinh trong tiếp cận nguyên liệu thô và linh kiện nhập khẩu. Không loại trừ khả năng Tổng thống Trump sẽ đưa ra nhiều chính sách ưu đãi về thuế nhằm thu hút các công ty Mỹ đang đầu tư ở các quốc gia khác.
Nhìn chung, thương chiến Mỹ – Trung sẽ mang đến nhiều điểm thuận lợi và cơ hội phát triển cho Việt Nam. Tuy nhiên, rủi ro và thách thức từ nó cũng khá lớn, khó lường. Điều này đòi hỏi các chủ doanh nghiệp tại Việt Nam cần theo dõi sát sao và đưa ra nhiều phương án dự phòng trong trường hợp chiến tranh thương mại kéo dài.
Bài viết có tham khảo từ Wikipedia và nhiều nguồn báo uy tín.
Đón đọc thêm nhiều bài viết về doanh nghiệp, thị trường, bất động sản tại đây.